image banner
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC NGỮ VĂN 2018 VÀ SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN, THỰC TIỄN DẠY HỌC MÔN HỌC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN

Ngày 19 tháng 1 năm 2024, tại hội trường lớn của trường Đại học Thủ đô đã diễn ra Hội thảo Quốc gia chương trình giáo dục Ngữ văn 2018 và Sách giáo khoa Ngữ văn, thực tiễn dạy học môn học và những vấn đề đặt ra trong đào tạo giáo viên.

Dự Hội thảo, có GS.TS.NGND. Trần Đình Sử - người tham gia xây dựng chương trình khung, chủ biên một số bộ sách giáo khoa Ngữ văn; PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; TS. Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng, Cục Nhà giáo – Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Tiểu học – Bộ Giáo dục và Đào tạo; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước. Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, dự Hội thảo có TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường.

Hội thảo có sự đóng góp ý kiến của các giáo sư đầu ngành nghiên cứu về bộ môn Ngữ văn diễn ra trong một ngày với phiên toàn thể và các phiên chuyên đề liên quan đến các nội dung: Đào tạo giáo viên; phát triển chương trình; bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp giảng dạy; công tác kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn...

Các ý kiến tại Hội thảo tập trung đề cập đến những vấn đề chung về chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện nay; việc khai thác ngữ liệu và tích hợp dạy học trong sách giáo khoa Ngữ văn; các vấn đề phát triển chương trình, ứng dụng công nghệ trong dạy học Ngữ văn... Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà giáo cũng thảo luận về công tác bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, môn học Ngữ văn tuy có lịch sử phát triển lâu dài, nhưng phương pháp dạy học hầu như ít thay đổi. Từ trước năm 2000, hầu hết là dạy học theo hướng bình văn, giảng văn, phân tích tác phẩm... Đến chương trình Ngữ văn 2006 mới chuyển sang dạy đọc hiểu văn bản.

Chương trình Ngữ văn 2018 tiếp tục theo hướng đọc hiểu nhưng gắn với yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực. Đó là một bước tiến dài nhằm đổi mới và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Hội thảo đã  có hơn 100 bài viết xuất sắc được gửi đến tham dự. Trường THCS Trần Phú, Phú Xuyên, Hà Nội có bài viết tham gia hội thảo với nhan đề: Sự đáp ứng của 3 bộ sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bài viết được thực hiện của nhóm tác giả, đứng đầu là Tiến sĩ Nguyễn Thị Thuý Hồng cùng với Thạc sĩ Phạm Thuỳ Quyên và cô giáo Hoàng Thị Nhung. Đây là hội thảo mang tầm quốc gia nên có sức lan toả sâu rộng trong ngành giáo dục, đặc biệt với các thầy cô giáo dạy bộ môn Ngữ văn.

anh tin bai
anh tin bai

Hội thảo đã để lại dư âm sâu lắng trong lòng người tham dự bởi chất lượng của các bài viết, các ý kiến đưa ra để bàn luận, đóng góp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Ngữ văn. Tham dự hội thảo mới thấy được tâm huyết của các giáo sư, Tiến sĩ, các thầy cô giáo trăn trở với việc giảng dạy bộ môn Ngữ văn trong trường học. Chúng ta tin tưởng rằng với đội ngũ các nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo  tâm huyết như vậy sẽ tìm được hướng mới cho giảng dạy, đánh giá bộ môn Ngữ văn ngày càng đạt chất lượng và hấp dẫn người học hơn. 

 

Phạm Thuỳ Quyên